
Giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phù hợp với sự phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn
03/09/2023TN&MTTrong hơn một thập kỷ lại đây, cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý, cơ bản có thể nói là đầy đủ, tuân theo chuẩn thống nhất làm cơ sở để các bộ, ngành áp dụng xây dựng dữ liệu chuyên ngành đảm bảo tính tương thích theo quan điểm hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam (NSDI).
Ảnh minh họa
Phương hướng phát triển
Chính phủ xác định xây dựng Chính phủ điện tử (e - Government), hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016 - 2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số (Digital Transformation) toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng Chính phủ điện tử ở nước ta, theo đánh giá của quốc tế, bước đầu đạt được những kết quả rất khả quan. Bộ TT&TT đã ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và một số văn bản kỹ thuật là những yếu tố quan trọng, đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Luật ĐĐ&BĐ được Quốc hội ban hành 2018 (Luật) và Dự thảo Chiến lược phát triển ngành ĐĐ&BĐ Việt Nam và xây dựng NSDI đến năm 2030, tầm nhìn 2040 đang trình Chính phủ phê duyệt vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức đối với Ngành. Thuận lợi là các nội dung xây dựng NSDI đã được Luật hóa; việc chỉ đạo, điều phối của Chính phủ và vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu không gian địa lý cũng đã được quy định cụ thể; giữa Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và NSDI, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành ĐĐ&BĐ Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể hỗ trợ lẫn nhau thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề lớn trong xã hội. Thách thức là mặc dù các định nghĩa về SDI cơ bản không thay đổi nhưng đặc điểm hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (SDI), phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển xã hội, là thay đổi. Hiện nay, trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, SDI đang chuyển đổi sang thế hệ thứ ba (SDI 3.0). Để xác định phương hướng phát triển và giải pháp xây dựng NSDI, việc nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm SDI ở giai đoạn chuyển đổi; phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong thiết kế, xây dựng NSDI tiên tiến, theo quy định Luật, phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, và đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội về thông tin không gian địa lý là nhiệm vụ cần thiết.
Giải pháp cụ thể
Xây dựng NSDI một mặt cần hướng tới công nghiệp 4.0, mặt khác phải coi NSDI là hạ tầng công nghệ thông tin không gian địa lý, có vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta và là “nơi” để cộng đồng người dùng áp dụng công nghệ mới cùng tham gia phát triển, gia tăng các ứng dụng thông tin không gian địa lý mới, sáng tạo. Xây dựng NSDI cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Đảm bảo sự thuận tiện dữ liệu NSDI cho các dịch vụ công Chính phủ điện tử. Theo khía cạnh quy trình kinh doanh thì Chính phủ điện tử không chỉ quản lý và cải thiện các luồng thông tin và nhiều tương tác diễn ra (ví dụ giữa Chính phủ với công dân (G2C), giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B), giữa Chính phủ với Chính phủ (G2G) và giữa Chính phủ với công chức, viên chức (G2E)), mà còn phải xác định những nơi có thông tin không gian địa lý và các dịch vụ liên quan để gia tăng giá trị cho quy trình. Vì vậy, việc xây dựng phát triển NSDI cần sự phối hợp với hoạt động triển khai Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, tìm hiểu kiến trúc mô hình hóa có hệ thống các quy trình của Chính phủ điện tử để định vị và xác định giải pháp cho các dịch vụ NSDI có thể cải thiện các quy trình đó. Nghiên cứu tích hợp các thành phần dịch vụ dữ liệu NSDI vào Kiến trúc Chính phủ điện tử và ngược lại. Việc này là khả thi vì Kiến trúc Chính phủ điện tử và kiến trúc NSDI cùng tiếp cận kiến trúc hướng dịch vụ (Service Oriented Architecture, SOA) và đều có các mức: Dữ liệu, dịch vụ và mức ứng dụng. Trọng tâm Chính phủ điện tử là mức ứng dụng (các giao diện người dùng khác nhau để truy cập dịch vụ) còn NSDI tập trung vào ứng dụng cổng thông tin không gian (Geoportal) là điểm truy cập để khám phá, phát hiện, xác định các ràng buộc điều kiện dữ liệu, và tải dữ liệu thông qua các dịch vụ mạng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng NSDI. Phát triển NSDI hiện nay không chỉ đặt trọng tâm vào cơ sở hạ tầng, tức là sự tương thích, hài hòa dữ liệu không gian địa lý, thiết lập các dịch vụ web, siêu dữ liệu và dịch vụ, mà còn hướng sang cộng đồng người dùng, tức là giải pháp nào khả thi để cộng đồng có thể tiếp nhận các thành phần của cơ sở hạ tầng vào các quy trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của họ vì đây là yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của NSDI. Trong giai đoạn Công nghiệp 4.0 và Chính phủ điện tử, tiến tới chuyển đổi số, NSDI sẽ được sử dụng chủ yếu vào việc hỗ trợ ra quyết định liên ngành đồng thời cũng là nơi để cộng đồng khai thác sử dụng dữ liệu. Vì vậy, cần giải pháp “mở” dữ liệu chính phủ (dữ liệu công) và dữ liệu của các tổ chức liên ngành (nhất là các tập dữ liệu nền địa lý) về phía cộng đồng, quốc tế nhiều hơn để tạo điều kiện sử dụng tài nguyên dữ liệu phát triển ứng dụng, gia tăng giá trị thông tin địa lý và hợp tác giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu. Trước hết, cần tạo siêu dữ liệu “mở” các chủ đề dữ liệu nền để người dùng có thể xem các thông tin liên quan. Sau đó là xác định ai, với những điều kiện nào có thể truy cập các tập dữ liệu. Việc “mở” cần cụ thể hóa bằng công cụ chính sách pháp luật, đảm bảo sự minh bạch, dễ dàng tiếp cận và tải dữ liệu trực tuyến.
Hoạt động tiêu chuẩn hóa. Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thông tin, dữ liệu không gian địa lý NSDI đồng bộ, tương thích với chuẩn mực quốc tế (bộ tiêu chuẩn OGC/ISO TC211/3W,…). Trong đó, chú ý đến các tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong kiến trúc NSDI và tiêu chuẩn dữ liệu không gian địa lý theo hướng đặt trọng tâm vào các mô hình khái niệm dữ liệu khung, hệ thống khái niệm tường minh, chuẩn siêu dữ liệu, tài nguyên ngữ nghĩa làm cơ sở để các chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu tương thích, và các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ mới, tiếp theo là quản lý quyền kỹ thuật số tự động. Cộng đồng ICT và Chính phủ điện tử đã phát triển các tiêu chuẩn siêu dữ liệu và tài nguyên ngữ nghĩa. Các tiêu chuẩn ngữ nghĩa áp dụng trong Chính phủ điện tử chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn W3C cơ bản. Nhiều nước đã công bố sử dụng các tiêu chuẩn từ vựng được kiểm soát (controlled vocabulary) về địa danh, khái niệm, loại tài nguyên,… trong đó, có cả dữ liệu và siêu dữ liệu. Ở châu Âu, từ vựng danh mục dữ liệu (Data Catalogue Vocabulary, DCAT) mô tả các tập dữ liệu khu vực công đã được mở rộng thành DCAT - AP (DCAT - Application Profile) để giải quyết các vấn đề trao đổi thông tin từ danh mục. Hồ sơ GeoDCAT - AP (tuân theo các tiêu chuẩn ISO 19115/19119/19139) bổ sung cho DCAT - AP được áp dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể từ cộng đồng không gian địa lý. Các hoạt động tiêu chuẩn hóa này cho thấy, trao đổi tài nguyên dữ liệu giữa lĩnh vực không gian địa lý và Chính phủ điện tử không chỉ là khả thi mà còn là tất yếu. Cập nhật dữ liệu. Áp dụng hiệu quả các công nghệ mới vào cập nhật dữ liệu, bao gồm: Phương tiện bay không người lái (UAV); hệ thống thành lập bản đồ 3D di động (Mobile 3D mapping); hệ thống LIDAR (Laser, GNSS, Scaner); lưu trữ dữ liệu đám mây (Cloud storage of data),… Quan tâm xây dựng cơ chế và hành lang pháp lý để tiếp nhận dữ liệu từ nhiều kênh cập nhật NSDI vì cập nhật dữ liệu hiện nay được quy định theo chu kỳ thời gian. Như vậy, dịch vụ cấp dữ liệu theo yêu cầu có thể xảy ra trường hợp dữ liệu chưa được cập nhật. Đây là một hạn chế trong các trường hợp khai thác sử dụng dữ liệu NSDI phục vụ các trường hợp khẩn cấp hay cung cấp dịch vụ công Chính phủ điện tử,…
Tuyên truyền phổ biến kiến thức. Các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh đang triển khai áp dụng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 vì vậy lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến tầm quan trọng của NSDI trong xây dựng Chính phủ điện tử và mô hình các giải pháp phát triển ứng dụng NSDI gia tăng giá trị các dịch vụ công là thực sự cần thiết.
TRẦN HỒNG QUANG
Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 15 (Kỳ 1 tháng 8) năm 2023